Danh mục 25 công trình đường bộ ưu tiên đầu tư trước năm 2030

26/08/21

Mới đây Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong danh mục các công trình quan trọng được đề xuất xây dựng có cao tốc Bắc Nam, vành đai 3-4 TP.HCM, vành đai 4-5 Hà Nội.

Trong tờ trình nói trên, Bộ Giao thông vận tải đưa ra danh mục các công trình đường bộ được đề xuất ưu tiên xây dựng trước năm 2030 gồm:

1. 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông
2. Vành đai 3 TP. HCM
3. Vành đai 4 Hà Nội
4. Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng-Trần Đề
5. Cao tốc An Hữu-Cao Lãnh
6. Cao tốc Chơn Thành-Đức Hòa
7. Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh
8. Cao tốc Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi
9. Cao tốc Buôn Ma Thuột-Vân Phong
10. Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
11. Cao tốc TP. HCM-Mộc Bài
12. Cao tốc TP. HCM-Chơn Thành
13. Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú-Bảo Lộc
14. Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn
15. Cao tốc Chợ Mới-Bắc Cạn
16. Cao tốc nối TP. Hà Giang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai
17. Cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu
18. Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh
19. Vành đai 4 TP. HCM
20. Vành đai 5 Hà Nội
21. Cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương
22. Cao tốc Vinh-Thanh Thủy
23. Cao tốc Mộc Châu-Sơn La
24. Cao tốc Phú Thọ-Chợ Bến
25. Cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá
Trong danh sách trên, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra danh mục dự kiến những dự án quan trọng quốc gia. Cụ thể là tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các vành đai đô thị và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và TP. HCM (vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội); các quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Đường vành đai 3 tại Hà Nội
Đường vành đai 4 Hà Nội nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trước năm 2030. Ảnh: đường vành đai 3 Hà Nội khi mới hoành thành

Theo dự thảo mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, quy hoạch hệ thống cao tốc cả nước đến năm 2030 được định hướng gồm 41 tuyến, chiều dài hơn 9.000 km; hệ thống quốc lộ gồm 172 tuyến với chiều dài khoảng gần 30.000 km. Nguồn vốn đầu tư mạng đường bộ đến năm 2030 dự kiến vào khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm 48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành.

Về kết cấu hạ tầng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế; từng bước nâng cấp các quốc lộ; trong đó, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại 1.

Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ được quy hoạch sẽ kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại 2, sân bay quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại 2 trở xuống.

Về nguồn vốn thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ ưu tiên ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn. Nhiều cơ chế chính sách sẽ được sửa đổi để huy động mọi nguồn lực và rút ngắn tiến độ đầu tư hạ tầng.

Hải Âu (TH)