Những lưu ý khi tìm mua đất ở, đất thổ cư

31/08/21

Một số lưu ý khi tìm mua đất ở, đất thổ cư

Mua nhà để bán lại: "kẻ lỗ nặng, người lãi to"

1. Nắm rõ thông tin chung về khu đất

Khi quyết định mua một mảnh đất thổ cư, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu thật kỹ khu đất đó thuộc diện như thế nào, khu dân sinh có tốt không, giao thông có thuận lợi không. Để thuận tiện trong cuộc sống, bạn nên chọn những khu đất gần trường học, bệnh viện, chợ,...

Bên cạnh đó, bạn phải đặc biệt chú ý tới các vấn đề về pháp lý của mảnh đất cần mua, chẳng hạn như có nằm trong diện quy hoạch giải tỏa của khu vực hay không. Theo đó, người mua cũng nên kiểm tra hồ sơ địa chính cấp xã, cấp huyện hoặc Sở Tài Nguyên-Môi trường xem khu vực đó có dự án nào không. Người mua liên hệ với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xác minh đất đó ai là chủ, giấy tờ cấp năm nào, vị trí, diện tích ra sao…; hỏi người dân xung quanh để lấy thêm thông tin về người chủ.

2. Đất có sổ đỏ

Điều này rất quan trọng bởi nó quyết định đến tính pháp lý của mảnh đất. Vì thế, tốt nhất bạn nên mua đất đã có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hợp pháp để tránh tranh chấp và nếu bị thu hồi cũng dễ dàng hơn trong việc đền bù.

Người mua đất thổ cư tuyệt đối không chấp nhận lý do sau này sẽ tách sổ bởi không thể chắc chắn tới khi nào mới có sổ riêng. Một khi khách hàng quyết định vội vàng sẽ có nguy cơ mất trắng vì pháp luật không công nhận mua bán nhà đất theo hình thức này.

3. Nên chọn hướng mảnh đất

Mảnh đất mà bạn muốn mua nằm ở hướng Nam hay Đông Nam là tốt nhất. Đây là hai hướng khí hậu ôn hòa, rất tốt để xây nhà. Vì thế, dân gian có câu "lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam".

4. Vị thế và diện tích mảnh đất 

Thông thường, một mảnh đất lý tưởng nhất để dựng nhà sẽ có chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài (chiều sâu) có một tương quan tỷ lệ thích hợp: Chiều rộng bằng 2/3 chiều dài sẽ rất thuận lợi cho việc thiết kế nhà đẹp.

Trường hợp khách hàng là người làm ăn kinh doanh sẽ rất coi trọng vấn đề về vị thế mảnh đất. Mảnh đất đó phải nằm ở vị trí bằng phẳng, phía trước mặt không nên có cây lớn, cột điện hay con đường đâm thẳng vào khu đất vì điều này không tốt về mặt phong thủy.

5. Chú ý môi trường xung quanh

Nếu mảnh đất bạn đang định mua trước đó làm nhà tù, nghĩa trang hoặc bãi rác thì nên tránh. Trong khi là đất mới khai khẩn, đất nông trại, đất ruộng sẽ rất tốt. Các khu đất trong khu vực có dân trí cao, hệ thống nước, điện đầy đủ, có đường rộng hè thoáng... sẽ luôn thu hút khách mua.

6. Tránh mua đất nằm trên hệ thống thoát nước thải

Trên thực tế, những ngôi nhà cũ, đặc biệt là ở những khu tập thể cũ đã bị thay đổi hình dạng, cơi nới sữa chữa nhiều lần nên có những trường hợp mảnh đất nằm trên hệ thống thoát nước thải của khu. Không những không tốt về mặt phong thủy mà bạn sẽ gặp khó khăn khi đào móng, xây dựng nhà trên mảnh đất đó.

7. Tìm hiểu kỹ địa chất mảnh đất

Vấn đề này vô cùng quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nhà sau này. Thực tế cho thấy, những khu đất nằm trên các khu vực ao hồ lấp thường có nền đất yếu, việc gia cố lại nền đất sẽ rất tốn kém. Vì vậy, người mua đất thổ cư nên lưu ý tới vấn đề này.

8. Không có tranh chấp lối đi vào

Tại các đô thị lớn có rất nhiều mảnh đất mà lối vào đang xảy ra tranh chấp chưa thể giải quyết. Cũng vì nguyên nhân này mà nhiều gia đình rao bán, do đó trước khi quyết định mua nếu bạn không tìm hiểu kỹ rồi sau đó mới phát hiện ra thì đã quá muộn. Thực tế đã có rất nhiều người gặp phải tình huống dở khóc, dở cười này.

9. Trong hợp đồng mua đất phải có đầy đủ chữ ký

Khách mua đất thổ cư cần cẩn trọng các vấn đề liên quan tới hợp đồng mua đất như hợp đồng phải có chữ ký xác nhận của cả chồng và vợ con cái, bố mẹ, anh chị em trong gia đình (xem trong sổ hộ khẩu gia đình) để tránh tranh chấp về tài sản về sau. Nhất là, hợp đồng này phải có xác nhận của cơ quan công chứng.

Nếu là đất thừa kế, là tài sản chung của nhiều người, trước khi bạn đặt cọc, tất cả người đồng thừa kế phải ký vào biên bản đồng thuận bán đất. Nếu người bán đã có gia đình thì tất cả thành viên trong gia đình phải ký tên ( vợ, chồng và con cái trên 18 tuổi) để tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau này.

10. Giá cả, đặt cọc, thanh toán

Quan trọng nhất giá cả phải hợp lý, áp dụng chiến thuật đàm phán đất đánh chắc thắng chắc.

Đặt cọc giữ chỗ, tiền cọc tuỳ thuộc yêu cầu của bên mua (không nên quá 10% giá trị hợp đồng); tiếp theo, mời địa chính xã, phường vào đo đạc; khi nhận được giấy xác nhận chủ sở hữu đất do cơ quan có thẩm quyền cấp đứng tên người mua mới thanh toán hết tiền. Việc làm hồ sơ do cơ quan chức năng tiến hành. Cả hai bên (bán và mua) cùng đến phòng công chứng công chứng hợp đồng mua bán, nhớ mang theo giấy tờ gốc gồm chứng minh thư, sổ hộ khẩu, sổ đỏ, đăng ký kết hôn.

11. Khả năng bán lại cao

Với tất cả những yếu tố trên cần phải tích hợp thêm khả năng bán lại được giá tốt, tính đến khi mình có nhiều tiền cần đổi chỗ ở mới.